Lừa đảo?
Theo phản ánh của các khách hàng, vừa qua, họ còn phát hiện chủ đầu tư đã đem dự án thế chấp tại ngân hàng, thậm chí chủ đầu tư còn có dấu hiệu mang các nền đất đã bán tiếp tục bán cho người khác.
Anh Hoàng Văn Thiết, người mua lô đất C31-32 khẳng định: “Vừa qua, có nhân viên ngân hàng B. đến thông báo thửa đất của tôi mua đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng”.
Chị Lê Thị Minh Trang (mua lô đất C20) cũng cung cấp thông tin, khoảng cuối năm 2017, có người báo tin cho chị biết lô đất mà chị mua đã “được” thế chấp ngân hàng; thời gian tới, nếu chủ dự án không có khả năng trả, ngân hàng phát mại thì chị phải giao lại mảnh đất này cho ngân hàng.
“Tôi tá hỏa đến công ty hỏi thì nhân viên công ty chối rằng không có thế chấp. Họ nói dự án đang làm sai một số vấn đề quy hoạch, đang chờ xử phạt xong sẽ giao đất. Tôi không biết số phận thửa đất mình giờ ra sao”, chị Trang lo lắng cho biết.
Các khách hàng bày tỏ, điều họ lo nhất hiện nay là từ 3 tháng trở lại đây, không ai liên hệ được với đại diện của Công ty Đại Việt. Đến trụ sở công ty cũng không thấy còn hoạt động, nhiều người lo chủ đầu tư đã bỏ trốn.
Khách hàng căng băng rôn trên khu nhà cảnh báo việc chủ
đầu tư đã đem dự án thế chấp ngân hàng
Để xác minh thông tin, ngày 8/3, nhóm PV đến trụ sở Công ty Đại Việt theo địa chỉ thể hiện trên hợp đồng ký với khách hàng. Theo đó, công ty này có trụ sở tại số 110 đường số 7, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Tuy nhiên, đúng như các khách hàng phản ánh, trụ sở công ty này đã đóng cửa nên chúng tôi không thể gặp được người đại diện.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, có rất nhiều điểm đáng lo trên hợp đồng ký kết mua bán nền đất của các khách hàng với chủ đầu tư dự án Nam Sài Gòn Riverside.
Cụ thể, trong nội dung hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế, bên bán không phải là Công ty Đại Việt mà là một cá nhân tên Nguyễn Văn Khải (ngụ số 163/14/24 đường Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10, Tp.HCM). Thực tế, Công ty Đại Việt chỉ đóng vai trò bên làm chứng nhưng các khách hàng lại phải thanh toán tiền mua đất cho công ty này.
Ngày 7/3, tại cuộc họp giữa khách hàng với chính quyền địa phương, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết đã nắm bắt về vụ việc nhưng để giải quyết cần phải hoàn chỉnh hạ tầng khu dân cư.
Vừa qua, huyện cũng đã có buổi làm việc với Công ty Đại Việt và thống nhất: chậm nhất đến ngày 15/3, công ty này sẽ bắt tay thi công chỉnh sửa hạ tầng. Nếu qua thời điểm này mà công ty vẫn chưa thực hiện thì huyện sẽ chỉ đạo Công ty Dịch vụ công ích huyện Nhà Bè thực hiện. Sau khi hoàn thành hạ tầng, huyện sẽ tiến hành sẽ tách thửa, công chứng sang tên, cấp giấy chủ quyền cho người dân theo quy định.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện cũng được yêu cầu cập nhật toàn bộ các lô đất mà chủ đầu tư đã bán cho dân để theo dõi. Nếu thấy chủ đầu tư bán cùng một lô đất cho nhiều người, sẽ ngăn chặn, không làm thủ tục sang tên, cấp sổ.
Liên quan đến thông tin chủ đầu tư mang các lô đất đã bán cho khách thế chấp tại ngân hàng, huyện cũng đã cử người đến xác minh nhưng phía ngân hàng không hợp tác và từ chối cung cấp thông tin. Huyện Nhà Bè cho rằng đây là quan hệ dân sự giữa các bên nên không thể can thiệp.
Khách hàng có thể mất trắng tài sản? Thực tế hợp đồng mua bán dự án Nam Sài Gòn Riverside chỉ là hợp đồng mua bán... tay giữa hai cá nhân, Công ty Đại Việt được biết đến với vai trò chủ đầu tư lại chỉ tham gia làm chứng. Do đó, nếu khách hàng khởi kiện chủ đầu tư lúc này thì thực ra ông Khải mới là đối tượng bị kiện. Nếu ông này bị tòa tuyên buộc phải trả tiền lại cho khách hàng nhưng nói không nhận và viện lý do Công ty Đại Việt chưa chuyển tiền cho ông thì dù khách hàng có thắng kiện cũng như không. Trong trường hợp dự án đã bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng thì rõ ràng đã có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, nếu ngân hàng khởi kiện để phát mại tài sản thì họ sẽ là đối tượng được ưu tiên giải quyết vì họ là bên nhận thế chấp bằng tài sản đảm bảo; trong khi khách hàng mua đất chưa qua công chứng. Nếu vậy, sau khi giải quyết xong quan hệ nợ nần giữa chủ đầu tư và ngân hàng thì nguồn tiền dư ra mới được giải quyết tiếp cho quyền lợi của những đối tượng còn lại. |